Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để ứng phó với tình hình mới, trong năm 2021 ngành Dệt may Việt Nam xác định tập trung phát triển thị trường nội địa. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để làm rõ hơn vấn đề này.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam trả được hơn 1000 tỷ đồng nợ vay dù lợi nhuận suy giảm sau 9 tháng / Cần cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường nội địa
- Xin ông cho biết, năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến ngành Dệt may?
- Có thể khẳng định, dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến cả hai phía cung - cầu. Đơn cử như với Mỹ, thị trường nhập khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, có kim ngạch nhập khẩu may mặc ước đạt 108,55 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ 2019. Mức giảm này là khá mạnh và giảm lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây.
Liên quan đến nguồn cung, dịch Covid-19 gây nên sự đứt gẫy, gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc nhiều nhà máy phải tạm thời đóng cửa. Cùng với đó là tình trạng hạn chế mở cửa hàng ở một số quốc gia, gây nên tâm lý dự trữ nhu yếu phẩm của người dùng, nhưng lại hạn chế những mặt hàng không thiết yếu như hàng may mặc…
Với sự chủ động, ngay từ những ngày đầu, Vinatex đã tổ chức các cuộc họp khẩn để khuyến nghị những giải pháp có tính chiến lược cho các doanh nghiệp để vượt qua thách thức. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tiên phong trong chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang vải kháng khuẩn, quần áo bảo hộ… Nhờ những giải pháp đúng, nên trong năm 2020, Vinatex đã đạt được kết quả khả quan, với doanh thu hợp nhất đạt 15.516 tỷ đồng (đạt 106,0% kế hoạch); lợi nhuận hợp nhất đạt 628,9 tỷ đồng (đạt 164,8% kế hoạch).
- Năm 2021, ngành Dệt may Việt Nam tiếp tục đối diện với thách thức mới. Vậy những giải pháp cốt lõi của Tập đoàn là gì nhằm ứng phó với tình trạng trên, thưa ông?
- Để giữ vững và duy trì tốc độ tăng trưởng, chúng tôi tiếp tục các giải pháp xúc tiến thị trường, thay đổi phương thức xuất khẩu từ gia công CMT (cắt, may, đóng gói thành phẩm theo yêu cầu) sang FOB (nhận đơn hàng và giao ra cảng biển), ODM (tự chủ các khâu từ thiết kế mẫu, thu mua nguyên vật liệu, cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và chuyển hàng), tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, giải pháp liên kết chuỗi trong nội bộ tập đoàn, kêu gọi đầu tư vào những mắt xích dệt may Việt Nam còn yếu…
Cùng với các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu là các giải pháp phát triển thị trường nội địa. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đổi hướng, tập trung xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa, đầu tư vào các khâu thiết kế, xây dựng hình ảnh, phân phối, phát triển thương mại điện tử để phục vụ tốt hơn nữa thị trường nội địa - thị trường rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để phát triển.
- Ông có thể nói rõ hơn về thị trường nội địa?
- Hiện, không ít người tiêu dùng theo xu hướng chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến với các sản phẩm chất lượng mà giá cả hợp lý. Nắm bắt cơ hội này, các thương hiệu thời trang của các công ty lớn trong nước đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng. Đơn cử các trường hợp thành công của Tổng công ty May 10 - CTCP, Công ty cổ phần May Việt Tiến, Công ty cổ phần May Đức Giang… với doanh thu nội địa mỗi doanh nghiệp tới hàng trăm tỷ đồng/năm. Riêng, trung tâm bán lẻ thời trang của Vinatex, dù mới chỉ đi vào hoạt động cũng có doanh thu hơn 100 tỷ đồng năm 2020, đạt kế hoạch đặt ra.
Thời gian sắp tới, chúng tôi có định hướng mở rộng trung tâm bán lẻ thời trang Vinatex sang các tỉnh, thành phố khác, dần khẳng định là một trong những địa chỉ tin cậy hàng đầu để người tiêu dùng Việt tìm đến với các sản phẩm sản xuất trong nước. Ngoài ra, chúng tôi có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trong hệ thống tập đoàn tập trung phát triển thị trường nội địa, định hướng phát triển mạnh những thương hiệu cũ vốn đã có lợi thế trong tâm thức người tiêu dùng Việt. Cùng với đó là đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung hiện nay, đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm về cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Thanh Hải, Báo Hà Nội mới